Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Thiền ngữ

     
          Thiền ngữ của các bậc giải thoát như mây bay, như gió thổi, như sấm sét, như mưa rào, chợt đến, chợt đi, thoắt biến, thoắt hiện, không từ một gốc gác, một trụ xứ nào, khiến không một mảy may tình tưởng, tri thức có thể nắm bắt, nương vin. Tuỳ căn cơ, trí tuệ, và đặc biệt là phước duyên sâu dày của từng người cầu đạo đối với pháp môn này mà ngay trong chỗ biến hóa khôn lường của từng lời vượt thoát kia vừa chợt lìa miệng Tổ, thiền ngữ tự có công năng kỳ đặc, nhiệm mầu, kích thích sự khai mở tuệ nhãn một cách tích cực, hiệu quả tức thì.

          Trong thời Chánh-pháp, sau khi đức Phật nhập diệt, một hôm, ngài A-Nan hỏi Tổ Ca-Diếp:
          - Bạch Sư huynh ! Khi Thế-tôn phó chúc và truyền y kim tuyến cho Sư huynh, còn có pháp gì truyền riêng nữa chăng ?
          Tổ Ca-Diếp liền gọi :
          - A-Nan !
          Ngài A-Nan ứng thinh :
          - Dạ !
          Tổ Ca-Diếp bảo :
          - Trời chiều rồi, đem cây chống cữa vào.
          Vừa chợt nghe, ngài A-Nan liền tỏ ngộ.

           Lời khai thị của các Ngài đôi khi như chẳng dính dấp gì tới cái đích hỏi của người cầu đạo. Thế nhưng nếu là người lanh cơ, trực giác mạnh mẽ, có thể liền ngay đó bắt nhịp cùng hòa "một" với các Ngài, thì con đường sống tức khắc mở toang trước mắt.


          Một ông Tăng hỏi ngài Triệu-Châu :
          - Con mới vào chùa, xin Ngài chỉ dạy:
          Sư hỏi :
         - Ăn cháo chưa ?
          Ông ta đáp :
          - Ăn cháo rồi.
         Sư nói :
        - Rửa bát đi.
          Vừa chợt nghe, ông Tăng liền tỏ ngộ.

         Chánh pháp Nhãn tạng của đức Phật, còn được gọi là Thiền tông. Tổ sư Bồ đề Đạt ma, vị Tổ thứ 23 của Thiền-tông Thiên trúc, đã đem Chánh-pháp này truyền sang đất nước Trung-hoa. Ngài được tôn xưng là Sơ-tổ của Thiền tông Trung-hoa. Tông này sau đó được Tổ Tổ trao truyền, tiếp nối xiểng dương, chẳng những phát triển mạnh mẽ trong nước mà còn lan toả đến các quốc gia lân cận như Nhật bản, Triều tiên, Việt-nam suốt một thời gian dài, ảnh hưởng đến tận ngày nay.

(Trích "Đôi nét về Thiền công án" - Nhuận Bảo - Thư viện Hoa sen)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét