Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Triệu Châu định đi viếng một ngôi chùa trên núi, khi ấy một ông tăng trưởng lão viết một bài thơ cho sư:
Núi xanh nào chẳng là thánh địa
Sao còn vác gậy viếng Tịnh Lương?
Nếu trong mây hiện sư tử lông vàng
Ấy chẳng phải là điềm lành chi hết.
Sau khi đọc bài thơ, Triệu Châu hỏi, “Mắt nào là mắt chánh?” Ông tăng không đáp.
Như Huyễn: Một bài thơ Đường nói:
Tất cả núi là chùa của Văn Thù.
Núi xanh xa và núi lục gần,
Mỗi mỗi đều có thờ Bồ Tát.
Nhọc công chi leo núi Tịnh Lương?

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Một hôm khi Lâm Tế đang trồng một cây tùng trong vườn chùa, thầy của sư là Hoàng Bá chợt đến chỗ sư. Hoàng Bá hỏi, “Chúng ta có cây tốt quanh chùa. Sao ông còn trồng thêm cây này?” Lâm Tế đáp, “Thứ nhất, giống trường xuân này sẽ làm đẹp cảnh chùa; thứ hai, làm chỗ trú cho tăng nhân thế hệ sau.” Lâm Tế nói xong liền dộng cuốc xuống đất ba lần để làm cho cây mới trồng thêm vững. Hoàng Bá nói, “Ông tự khẳng định không hợp ý tôi.” Lâm Tế làm ngơ lời thầy, và thì thầm, “Xong rồi,” và dộng cuốc xuống đất ba lần như trước. Hoàng Bá nói, “Ông sẽ làm cho giáo pháp của ta tồn tại trên thế gian này.”
Như Huyễn: Lâm Tế đang tạo biểu tượng cho Thiền của sư khi sư trồng cây ấy bên ngôi chùa, nơi sư đã thọ nhận Pháp, nhưng không muốn ai để ý đến nó cho đến khi nó già. Thầy của sư biết rất rõ sư nghĩ gì, nhưng muốn khám phá một cách trọn vẹn, vì thế đã nói làm như mình đang quan sát vườn chùa. Lâm Tế đã đáp theo cách không ám chỉ gì đến Thiền. Thiền nên được giữ gìn theo cách này. Ông thầy còn nói gì được nữa trừ lời khen ngợi.


Một ông tăng thấy một con rùa trong vườn chùa của Đại Tùy, hỏi sư, “Tất cả chúng sinh đều có da thịt bọc xương. Tại sao chúng sinh này lại có xương bọc da thịt?” Hòa thượng Đại Tùy đáp bằng cách lấy đôi dép của mình che lên con rùa.
Như Huyễn: Ông tăng này có thói quen xấu là nhảy ngay vào kết luận. Ông ta nghĩ nếu một điều đã đúng vào lúc này thì cũng phải đúng vào mọi lúc và mọi nơi. Đại Tùy tìm cách cứu ông tăng ra khỏi loại phân biệt này và giúp ông tăng nhận ra nhất thể.
Khi quí vị thấy những điều bất thường, không nên kinh động. Trước hết hãy tẩy sạch những nhận thức sai, tự giới hạn của mình về sự vật và đối diện trọn vẹn với thực tại. Tử là gì? Sanh là gì? Phật là gì? Ngộ là gì?
Genro dẫn một bài thơ xưa ở cuối lời bình của sư; tôi sẽ dịch toàn bộ bài thơ để làm kết luận cho câu chuyện này.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Qui Sơn nói với tăng chúng, “Mùa đông, những ngày lạnh trở lại mỗi năm. Năm ngoái cũng lạnh như năm nay, và năm tới cũng sẽ lạnh y như vậy. Các ông hãy nói tôi biết những ngày nào trong năm đang tái diễn.” Ngưỡng Sơn, một đệ tử lâu năm, bước đến đứng bên thầy với bàn tay phải úp lên nắm tay trái đặt trước ngực. Qui Sơn bình, “Tôi biết ông không thể trả lời câu hỏi của tôi.” Rồi sư quay sang Hương Nghiêm, một đệ tử ít năm hơn, “Ông nói thế nào?” “Con tin chắc là con có thể trả lời câu hỏi của hòa thượng,” Hương Nghiêm đáp và bước đến đứng bên thầy với bàn tay phải úp lên nắm tay trái đặt trước ngực như vị tăng thâm niên kia đã làm. Nhưng Qui Sơn làm ngơ và nhận xét, “Tôi vui vì ông sư huynh đã không thể đáp được câu hỏi của tôi.”
Như Huyễn: Chùa của Qui Sơn trên núi là nơi tăng chúng cảm thấy cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông. Một vài tăng nhân đã ở lại trong chùa trải qua những ngày tháng vô ích. Nhớ đến những ngày lạnh mùa đông, trẻ con nghĩ đến lễ Giáng Sinh. Qui Sơn đang cảnh cáo tăng chúng chớ lãng phí qua ngày mà chẳng ngộ đạt Thiền.


Đại Tùy nói với tăng chúng, “Này các anh em, thà đào bên trong một tấc còn hơn là thuyết Pháp bên ngoài một thước. Thà tu bên trong một phân còn hơn là giảng bên ngoài một tấc.” Để cân bằng và làm sáng tỏ câu nói này, Động Sơn nói, “Tôi giảng cái gì tôi không thể thiền định, và tôi thiền định cái gì tôi không thể giảng.”
Như Huyễn: Đại Từ, hay Thiền sư Khoan Trung, sống trong một ngôi chùa trên núi Đại Từ. Động Sơn là người đồng thời nhưng trẻ hơn hăm bảy tuổi. Trước khi học câu nói của Động Sơn, quí vị cần phải hiểu cặn kẽ lời của Đại Từ. Người Phật giáo Đại thừa muốn giác ngộ tất cả chúng sinh đau khổ vì vô minh. Động cơ thì vĩ đại, nhưng y không nên quên tự tu từng giây từng phút. Y nhập vào đoàn quân viễn chinh chinh phục vô minh và giác ngộ mọi người. Chư Phật và Tổ trong quá khứ và hiện tại cùng làm việc với y và sẽ tiếp tục công việc của họ trong vị lai. Nếu nhầm một bước là y bị lùi lại phiá sau.


Bạch Vân, một Thiền sư đời nhà Tống, đã viết bài thơ sau đây:
Chỗ nào người khác ở
Thì tôi đây chẳng ở.
Chỗ nào người khác đi
Thì tôi đây chẳng đi.
Nói vậy không có nghĩa
Từ chối việc kết giao;
Tôi chỉ muốn nêu rõ
Trắng và đen mà thôi.
Như Huyễn: Các nhà Phật học nói rằng giống mà không có khác là nghĩ sai về giống, và khác mà không có giống là nghĩ sai về khác. Thầy tôi, Thích Tông Diễn, thường minh họa điểm này thật đẹp và Tiến sĩ D. T. Suzuki viết bằng tiếng Anh đại ý như vầy: “Sóng lớn, sóng nhỏ và sóng gợn lăn tăn tất cả đang dâng lên, trào lên và rút xuống, nhưng có phải chúng là nhiều cái động khác nhau của cùng một tự thể vĩnh cửu của nước. Trăng lặng lẽ chiếu sáng bầu trời, đơn độc trong tất cả các từng trời và trái đất; nhưng khi trăng tự soi mình trong màu trắng óng ánh của sương chiều, lấp lánh như những viên ngọc ươm trên mặt đất ¬hình ảnh của trăng thật kỳ diệu làm sao! Không phải mỗi hình ảnh của chúng cũng đầy đủ theo cách riêng ấy sao?”


Tiệm Nguyên ngồi phiá sau một tấm rèm giấy. Một ông tăng đến tham thiền, vén rèm lên, chào sư, “Thật là lạ.” Sư đưa mắt nhìn ông tăng rồi nói, “Ông hiểu không?” Ông tăng đáp, “Dạ, con không hiểu.” Sư nói, “Trước khi bảy Phật ra đời, thì cũng giống y như giây phút này. Tại sao ông không hiểu?” Sau đó ông tăng đem chuyện này kể lại với Thạch Sương, một Thiền sư cùng dòng Pháp. Thạch Sương ca ngợi Tiệm Nguyên, nói, “Sư huynh Tiệm Nguyên giống như ông thầy bắn cung. Chẳng bao giờ bắn một mũi tên không trúng đích.”
Như Huyễn: Ở Nhật bản và Trung hoa, người ta thường dùng rèm giấy ở các cửa trong hay cửa ngoài để ngăn gió lò hay cản côn trùng. Tiệm Nguyên ắt đã ra lệnh cho tăng nhân đến tham thiền ngay cả khi sư đang dùng rèm. Khi tôi còn ở chùa, thầy tôi thường thay đổi vị trí trong phòng đến nỗi tôi phải nhìn quanh để tìm ông. Lúc tâm tôi phù động, tôi thường nhận một gậy của ông. Tôi không thể trách ông tăng vì ông ta nói, “Kỳ lạ,” nhưng Tiệm Nguyên đã cho ông ta đủ thời gian để thấy rõ ngọn đèn Pháp bên trong bức rèm. Tiệm Nguyên rất từ bi đã dạy thêm ông tăng.

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Một hôm khi nói chuyện với tăng chúng, Tam Thánh nói, “Khi một học nhân đến, tôi ra ngoài gặp y mà không có mục đích giúp đỡ y.” Sư đệ của sư là Hưng Hóa, nghe được, liền nói, “Khi một học nhân đến, tôi thường không ra gặp y, nhưng nếu tôi ra thì chắc chắn tôi sẽ giúp y.”
Như Huyễn: Lâm Tế là một Đại Thiền sư đời nhà Đường, tịch ngày mồng 10 tháng giêng, năm 867. Ngay trước khi tịch, sư nói, “Sau khi ta đi rồi, chớ có diệt mất Thiền của ta. Các ông hãy cùng nhau giữ gìn giáo pháp.” Tam Thánh, là một trong các đệ tử, hỏi “Ai dám diệt Thiền của hòa thượng”. Lâm Tế hỏi, “Nếu có người hỏi ông Thiền là gì, ông nói thế nào?” Tam Thánh hét, “Kat!” Sư hài lòng với câu đáp này và bình, “Ai nói Thiền của ta sẽ diệt dưới con lừa mù này?” Nói hết câu, sư tịch.


Một ông tăng vào phòng của Triệu Châu để tham thiền và thấy sư đang ngồi đầu trùm trong y. Ông tăng rút lui. Triệu Châu nói, “Huynh đệ, chớ nói là tôi không nhận huynh đệ tham thiền đấy nhé.”
Như Huyễn: Tham Thiền là hợp nhất với Thiền. Quí vị trở thành Thiền và Thiền trở thành quí vị. Trong tông Lâm Tế, khi một học nhân vào phòng thầy để nhận sự hướng dẫn riêng thì gọi là tham thiền để phân biệt với tọa thiền tức là ngồi thiền một mình hay với những người khác. Trong tông Tào Động, khi nói tham thiền tức là ngồi thiền, như thế họ hiến mình cho thiền định nhưng hiếm khi được cho hay nhận sự hướng dẫn.


Quan tri phủ hỏi Dược Sơn, “Tôi hiểu rằng tất cả Phật tử phải có Giới, Định và Tuệ. Thầy có giữ giới không? Thầy có tu định không? Thầy có đạt tuệ không?” Dược Sơn đáp, “Bần tăng không có những thứ rác rến như thế quanh đây.” Quan tri phủ nói, “Thầy ắt có pháp thâm sâu, nhưng tôi chẳng hiểu pháp ấy.” Dược Sơn tiếp, “Nếu muốn nắm giữ nó, ngài phải leo lên ngọn núi cao nhất và ngồi trên chóp đỉnh hoặc phải lặn xuống biển sâu nhất và bước đi nơi đáy nó. Vào giường riêng để ngủ mà tâm trĩu nặng, làm sao ngài có thể nắm giữ được Thiền của tôi?”

Đăng ký:
Bài đăng (Atom)